NGƯỜI GIỮ LÀNG - CHƯƠNG 1
Cập nhật lúc: 2025-04-25 23:10:09
Lượt xem: 1,157
Để trả thù chồng cũ, sau khi ly hôn, tôi cưới người giữ làng* ở cùng thôn.
(Người giữ làng, một cái tên gọi dành cho những người "không bình thường", kẻ ngốc, thường đi loanh quanh khắp làng và được cho là có một chút gì đó khá tâm linh.)
Cũng chính là Tuấn Ngốc ăn trợ cấp xã hội mà người ta hay nhắc tới.
Thời buổi này người người nhà nhà đều phát triển, vậy mà nhà anh ta đến điện nước còn không có mà dùng.
Ai cũng nghĩ tôi đúng là đồ dở hơi, sau này chắc chắn sẽ sống rất khổ sở, thế mà mẹ của Tuấn Ngốc lại mang mười vạn tệ tiền sính lễ đến tận cửa nói: "Nhà người ta có cái gì, con dâu tôi cũng phải có cái đó."
1
Trước đó trên thành phố có công văn gửi xuống, nói muốn giải tỏa làng của nhà chồng cũ tôi để mở một con đường lớn.
Rất nhanh sau đó, những bức tường nằm trong khu quy hoạch giải tỏa đã được sơn đỏ chói một chữ "Phá" thật lớn.
Lúc đó chúng tôi vẫn chưa ly hôn, và cũng chính từ lúc đó, thái độ của nhà chồng cũ đối với tôi đã khác hẳn lúc trước.
Ngày trước, hai nhà chúng tôi cũng coi như môn đăng hộ đối, bố mẹ tôi mấy năm trước còn ra ngoài làm ăn, mua được một căn hộ chung cư trên thị trấn, còn nhà anh ta chỉ có căn nhà hai tầng ở quê.
Tuy không giàu có nhưng cũng là một gia đình nhỏ bình thường, sống những ngày tháng bình dị nhất.
Ai ngờ một chữ "Phá" còn chưa thấy tiền đâu, cả nhà họ đã vênh váo tận trời.
Bố chồng thì cho rằng bố tôi không có bản lĩnh bằng ông ta, mẹ chồng thì chê mẹ tôi không đảm đang, kỹ tính bằng bà ấy, còn chồng cũ khi nhìn Thanh Mai nhà hàng xóm cũng sắp được đền bù giải tỏa, ánh mắt nịnh bợ đó đến con ch.ó cũng nhìn ra được.
Điều khiến tôi đau lòng hơn nữa là cả nhà họ bóng gió chê bai tôi cưới về hơn hai năm mà không sinh được mụn con trai con gái nào.
Tính tôi ngang bướng, khổ thì chịu được chứ ấm ức thì không.
Ngày ly hôn, cả nhà chồng cũ mặt mày hớn hở như hoa, vừa cười vừa mỉa mai tôi: "Cả làng trên xóm dưới này ai chẳng biết nó vừa lười vừa tham ăn, lại không biết đẻ, sau này chỉ có nước lấy chồng xa xứ đến nơi chẳng ai biết gốc gác thôi."
Hôm đó nắng gắt, bên cạnh tiệm sửa xe ở cổng cục dân chính có mấy đứa trẻ bảy, tám tuổi đang ngồi xổm, còn có một người đàn ông trưởng thành lạc lõng đang đứng hóng chuyện.
Anh ta là người giữ làng nổi tiếng khắp vùng chúng tôi, ai cũng gọi anh là "Tuấn Ngốc".
Người đàn ông này đẹp trai có tiếng, không phải kiểu thư sinh trắng trẻo, mà là kiểu đẹp như Nhị Lang Thần do Tiêu Ân Tuấn đóng trên TV ấy, đẹp kiểu rắn rỏi, mạnh mẽ.
"Ngốc, anh có muốn lấy vợ không?"
Tôi bước tới, anh ta ngẩng đầu lên cười ngây ngô với tôi.
Tôi cầm sổ hộ khẩu huơ huơ trước mặt anh ta: "Có dám bây giờ về nhà, trộm sổ hộ khẩu nhà anh ra đây, vào trong đăng ký với tôi không?"
Như thể không hiểu lời tôi nói, nụ cười ngốc nghếch của Tuấn Ngốc cứng đờ trên môi, anh ngơ ngác nhìn tôi.
Gia đình chồng cũ đứng bên cạnh chưa đi, chỉ vào bộ dạng ngốc nghếch của tôi, cười đến mức suýt bò ra đất.
Nhưng tôi chỉ lạnh lùng nhìn Tuấn Ngốc.
Anh ta cũng chỉ sững người vài giây, rồi đứng dậy phủi quần áo chạy về nhà.
Cứ thế, tôi và Tuấn Ngốc đã lấy giấy đăng ký kết hôn.
Tôi chính là muốn cho mọi người biết, Thu Ninh tôi thà lấy một thằng ngốc còn hơn sống với cái nhà đó, người đàn ông kia còn không bằng một thằng ngốc.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/nguoi-giu-lang/chuong-1.html.]
2
Xin chào. Tớ là Đồng Đồng. Đừng ăn cắp bản edit này đi đâu nhé!!!!
Nhà Tuấn Ngốc là hộ nghèo nổi tiếng, trên còn có một người mẹ già hơn năm mươi tuổi, hai mẹ con sống trong hai gian nhà ngói ọp ẹp không có điện nước.
Bố mẹ tôi biết chuyện này suýt nữa thì ngất xỉu, giận nhảy dựng lên mắng tôi ngu ngốc.
"Mày chịu khổ với nhà nó hai năm trời, giờ thấy sắp có tiền thì mày ly hôn tay trắng, mày bị khùng hả con!"
"Người ta đền bù theo nhà cửa đất đai chứ không theo đầu người, có tiền cũng là nhà nó có tiền, cái đức hạnh nhà đó thì cho mày được đồng nào chắc?"
"Thì mày cũng không thể... không thể lấy Tuấn Ngốc được! Nó là đứa lớn lên nhờ cơm trăm nhà..."
"Haizz..."
Vì chuyện này mà cả nhà tôi cãi nhau hai ngày liền, ngay cả anh trai chị dâu cũng chạy về mắng tôi dở hơi, mắng tôi không có số hưởng phúc.
Ngày thứ ba, mẹ của Tuấn Ngốc đến.
Người phụ nữ hơn năm mươi tuổi trông gầy gò khô quắt, mái tóc bạc trắng buộc thành một túm đuôi ngựa dài bằng gang tay, dày bằng hai ngón tay sau gáy, chất tóc cũng khô như người vậy.
Nếu không phải biết rõ gốc gác, chắc chắn ai cũng nghĩ bà đã ngoài sáu mươi.
Bà gõ cửa chống trộm nhà tôi, kéo theo Tuấn Ngốc đang cười hề hề đứng giới thiệu danh tính.
Mẹ tôi mời người vào nhưng không mời ngồi, cả nhà tôi mặt mày đưa đám, im lặng không nói tiếng nào, để mặc hai người đứng lúng túng ở chỗ thay giày ngay cửa ra vào.
Người phụ nữ nhìn sàn gỗ sạch sẽ trước mặt, rồi lại nhìn đôi giày vải cũ kỹ đầy bụi trên chân mình và con trai, không bước vào trong.
"Hai hôm trước con trai tôi và con gái nhà chị đã lấy giấy kết hôn, chúng tôi theo lẽ phải đến nhận họ hàng, đây là chút quà mọn."
Người nhà tôi nhìn hai cái giỏ bà đặt xuống đất, một giỏ đầy trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng, giỏ kia là một ít rau củ quả.
Đều không phải thứ gì đáng tiền, mẹ tôi còn chẳng buồn nhận.
Nhưng trong lòng chúng tôi đều hiểu, những thứ này tuy không đáng tiền nhưng cũng là những thứ đáng giá nhất của nhà Tuấn Ngốc rồi.
"Dì ơi, vào ngồi đi ạ."
Tôi ra cửa kéo người vào, từ phòng ăn mang ghế cho hai người, lại dùng cốc giấy dùng một lần rót hai cốc nước ấm.
"Tiểu Ninh."
Tuấn Ngốc nắm lấy tay tôi, có lẽ cảm thấy tay mình bẩn nên nhanh chóng buông ra, xoa xoa vào chiếc áo đã bạc màu vì giặt nhiều.
Thấy anh ta chạm vào tôi, sắc mặt người nhà tôi càng khó coi hơn, từng người một quay mặt đi, chỉ muốn đuổi người ra ngoài.
Vẻ mặt người phụ nữ gầy gò càng thêm khó xử.
Bà hít một hơi thật sâu, căng thẳng đưa tay vào trong áo, từ túi áo trong lôi ra một tờ giấy nhàu nhĩ, đặt lên đùi dùng lòng bàn tay cẩn thận vuốt phẳng.
Đó là một cuốn sổ tiết kiệm cũ của bưu điện, người gửi tiền ghi là Dư Tú.
"Đây là... mười vạn tệ tiền sính lễ, cho Tiểu Ninh."
Một câu nói của bà kéo tất cả ánh mắt đang lảng đi của cả nhà tôi quay lại, mọi người trố mắt nhìn đôi mẹ con ăn trợ cấp xã hội này với vẻ không thể tin nổi.