Một Mẫu Ba Phần Ruộng Của Nhà Ta - Chương 1

Cập nhật lúc: 2025-02-18 16:13:52
Lượt xem: 385

1

 

Thuỷ Sinh lặng lẽ vén khăn voan đỏ trên đầu ta.

 

Thực ra, đó là một mảnh vải đỏ cắt vội từ tấm vải mà mẫu thân ta trước lúc mất đã dành riêng cho ta.

 

Bà từng nói, sẽ may cho ta một bộ y phục đỏ để mặc khi xuất giá.

 

Ta đã thành thân, nhưng bà lại chẳng kịp may cho ta bộ y phục ấy.

 

Ta nhìn Thuỷ Sinh, khẽ cười.

 

“Bắt đầu từ hôm nay, ta chính là thê tử của chàng, chàng phải đối xử tốt với ta.”

 

Ta nói, giọng mang theo chút chột dạ.

 

Dù sao, người mà hắn vốn định cưới cũng chẳng phải ta.

 

Là ta lòng mang tà niệm, chiếm lấy vị trí của nàng.

 

“Ừm.”

 

Hắn khẽ gật đầu, thần sắc vẫn như ngày thường, chẳng tỏ vui cũng chẳng lộ giận.

 

Trong viện, hôn lễ vẫn chưa tàn, tiếng người cười nói náo nhiệt.

 

Nơi thôn dã nghèo khó này, ngoại trừ nhà Thuỷ Sinh, còn có ai cưới vợ mà dám mổ hai con heo chứ?

 

Phụ thân hắn còn đích thân lên trấn mua hai mươi hũ rượu, chính mắt ta đã trông thấy.

 

“Ta đói bụng rồi, chàng có thể lấy chút đồ ăn cho ta không?”

 

Tối qua ta chưa ăn gì, hôm nay lại nhịn cả ngày, bụng trống rỗng đến mức hoa mắt đau đầu.

 

Hắn lặng lẽ nhìn ta một hồi, rồi im lặng xoay người ra ngoài.

 

Tấm lưng ấy, chẳng hiểu sao lại toát lên một vẻ bất đắc dĩ.

 

Ngay cả ta cũng có chút thương cảm cho hắn.

 

Nhưng ta nào có tư cách nhắc đến hai chữ "thương cảm", khi chính ta mới là kẻ khiến hắn phải cưới sai người chứ?

 

Nhưng người không vì mình, trời tru đất diệt.

 

Thuỷ Sinh đi rồi lại trở về, trên tay bưng một đĩa cải trắng xào thịt, một bát cháo cùng hai cái màn thầu.

 

Hắn đặt đồ ăn lên bàn, xoay người gọi ta:

 

“Lại ăn đi!”

 

Thuỷ Sinh ngồi xuống đối diện ta, rót cho ta một chén nước.

 

Ta tranh thủ ngước nhìn hắn một cái.

 

Hắn là người tốt, vì thế ta mới dám bám lấy hắn.

 

Lúc rời khỏi thôn Triệu Gia, ta mới chỉ ba tuổi. Ký ức duy nhất ta còn giữ được về nơi ấy là dòng sông nhỏ đầu thôn, cây cầu gỗ bắc ngang, và cảm giác đôi chân trần giẫm lên bùn đất.

 

Những đêm khuya tĩnh mịch, ta thường mơ thấy một giấc mộng.

 

Trong mộng, chỉ có một màn đêm đen kịt, cùng tiếng gào khóc xé lòng của một nữ nhân.

 

Trời khuya vắng lặng, nên tiếng khóc ấy càng thêm thê lương, lạnh lẽo đến rợn người.

 

Ta giẫm lên nền đất ướt mềm, bước qua bờ ruộng, đi ngang qua cây cầu gỗ. Thanh âm kia vẫn vang lên trong đêm, tha thiết chờ đợi một ai đó lên tiếng đáp lời.

 

Nhưng chẳng có gì cả.

 

Lúc choàng tỉnh khỏi giấc mộng, ta mơ hồ hiểu được — người đáng lẽ nên đáp lại bà ấy, chính là ta.

 

Khi ta ba tuổi, phu nhân nhà họ Dư đã đưa ta đến Giang Nam, nơi sương khói bảng lảng, liễu rủ hoa đào.

 

Bà nói, trên cổ tay ta có một vết bớt hình hoa đào, chính là đứa con gái bà thất lạc năm nào. 

 

Bà nói, bà là mẫu thân của ta.

 

Thế là ta trở thành tiểu thư nhà họ Dư, ngày ngày cơm dâng tận miệng, áo mặc đến tay.

 

Nhà họ Dư là bậc đại phú thương, giàu có bậc nhất Giang Nam.

 

Lão gia họ Dư quanh năm bôn ba bên ngoài, ta lại chỉ là một nữ nhi nhận về nửa chừng. Trong nhà, cộng cả ta vào thì có đến sáu vị tiểu thư, nên ông đối với ta cũng chẳng thân cận gì mấy.

 

Chỉ có Dư phu nhân, bởi vì ta mất tích khi chưa tròn một tuổi, trong lòng bà áy náy, đối với ta vô cùng thương yêu, chiều chuộng hết mực.

 

Ta dần quên mất thôn Triệu Gia, ngỡ rằng Giang Nam mờ sương phủ bóng là nhà của mình.

 

Nhưng đến năm tám tuổi, có một cô nương khác tìm đến Dư gia.

 

Trên cổ tay nàng ta cũng có vết bớt hình hoa đào.

 

Ma ma bảo rằng, trên bàn chân trái của tiểu thư Dư gia thật sự có một nốt ruồi son.

 

Nàng ta có.

 

Hồng Trần Vô Định

Còn ta thì không.

 

Thế là ta lại lên thuyền, đổi sang xe ngựa, bị một ma ma của Dư gia đưa trở về thôn Triệu Gia.

 

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/mot-mau-ba-phan-ruong-cua-nha-ta/chuong-1.html.]

2

 

Khi ở Giang Nam, ta gọi là Oánh Oánh.

 

Khi về thôn Triệu Gia, ta lại thành Triệu Phán Nhi.

 

Trong thôn này, những cô nương cùng tên cùng họ với ta có đến bốn người.

 

Nghe nói năm ấy khi Dư phu nhân đưa ta đi, bà đã để lại cho cha ta trọn một trăm lượng bạc.

 

Cha ta thấy ta bị đưa trở về, liền trốn biệt trong vườn rau, không dám ló mặt về nhà. Ông sợ ma ma kia sẽ đòi lại cả trăm lượng bạc ấy.

 

Nhưng ma ma đó chẳng nói chẳng rằng, đặt ta xuống rồi hấp tấp bỏ đi, ngay cả bọc hành lý mà Dư phu nhân chuẩn bị cho ta cũng mang theo.

 

Trong đó có y phục ta từng mặc, trang sức ta từng đeo.

 

Ta cuối cùng cũng gặp được nữ nhân luôn gào khóc gọi ta trong những cơn mộng kia.

 

Bà chính là mẫu thân của ta.

 

Đúng như nguyện vọng của cha ta, mẫu thân đã sinh cho ông một đứa con trai. Khi ta trở về, đệ đệ đã bốn tuổi.

 

Lẽ ra, một trăm lượng bạc Dư phu nhân để lại có thể giúp cả nhà này sống sung túc mấy chục năm.

 

Nhưng vừa bước chân vào cổng, ta đã thấy nhà trống trơn, chẳng có gì cả.

 

Trong nhà, ngoài mẫu thân và đệ đệ, không ai chào đón ta.

 

Bởi vì thêm một miệng ăn, thì trong nhà lại thêm một gánh nặng.

 

Bà nội ngồi xếp bằng trên kháng (giường sưởi), đôi mắt tam giác xếch xuống cẩn thận đánh giá ta từ trên xuống dưới.

 

Ánh mắt ấy chẳng giống đang nhìn một con người, mà như đang xem xét một món đồ, một con súc vật.

 

"Đã quay về thì bỏ ngay cái bộ dáng tiểu thư kia đi, nhà này không nuôi nổi kẻ ăn không ngồi rồi."

 

Ta cũng chẳng biết mình có cái "bộ dáng tiểu thư" gì, chỉ là vừa vào cửa, ta thuận tiện hành lễ mà thôi.

 

Bà nội bảo đại bá mẫu cởi bộ y phục ta đang mặc trên người xuống.

 

Ta mới biết, thì ra cởi quần áo chẳng phải chuyện gì riêng tư lắm, cũng không cần né tránh gì.

 

Ngay giữa thanh thiên bạch nhật, nói lột là lột ngay.

 

Mấy ngày sau, bộ y phục đó bị cắt nhỏ lại, rồi mặc lên người Triệu Chiêu Đệ – nữ nhi của tam thúc ta.

 

Chỉ hơn mười ngày sau, ta đã ăn bánh mì cám mà không còn thấy nghẹn, uống nước lã cũng chẳng còn đau bụng tiêu chảy nữa.

 

Ta giống hệt Triệu Chiêu Đệ nhà tam thúc, có thể chân trần chạy trên bờ ruộng, cũng có thể ngồi xổm bên bếp nhóm lửa giúp mẫu thân.

 

Ngoại trừ việc biết đọc biết viết, ta đã không khác gì những cô nương trong thôn.

 

Nhưng ta hiểu rõ, ta không giống bọn họ.

 

Ta đã từng thấy quá nhiều phồn hoa, tâm tư ta sớm đã không còn nhỏ bé nữa.

 

Cha ta có ba huynh đệ, đều đã thành thân.

 

Đại bá có bảy miệng ăn, tam thúc bốn người, nhà ta bốn người, thêm cả bà nội, tất cả có mười sáu người chen chúc trong một cái sân nhỏ.

 

Mẫu thân lén nói với ta, năm đó một trăm lượng bạc của Dư phu nhân đều nằm trong tay bà nội.

 

Bà nói, khi nào bà còn sống, nhà này sẽ không được chia.

 

Đến khi nào sắp chết, bà sẽ chia bạc.

 

Vì thế, trong nhà, mọi chuyện đều do bà nội định đoạt.

 

Ai cũng muốn lấy lòng bà, chỉ sợ bản thân không đủ tốt, đến lúc chia bạc sẽ bị phần ít.

 

Bà nội thích nhất là tam thúc, dù sao cũng là nhi tử út, lại thêm tam thẩm khéo ăn khéo nói, luôn biết dỗ bà vui.

 

Cả hai đứa con của họ, Triệu Chiêu Đệ và Triệu Đông Tử, cũng được bà đặc biệt yêu quý.

 

Mỗi sáng, bà nội đều muốn ăn hai quả trứng luộc.

 

Đệ đệ ta – Thanh Hoà, bằng tuổi Triệu Đông Tử, thậm chí còn nhỏ hơn ba tháng.

 

Thế nhưng hai quả trứng luộc kia, lúc nào cũng phải dành một quả cho Triệu Đông Tử.

 

Đệ đệ đứng ở cửa phòng khách, mắt trông mong nhìn quả trứng luộc trong tay Triệu Đông Tử.

 

Triệu Đông Tử vênh mặt đắc ý, thản nhiên nhét cả nửa quả trứng vào miệng.

 

Đại bá mẫu là con dâu làng bên, bà nội dù không thích cũng đành chia cho nữ nhi duy nhất của bà ấy – Triệu Phán Đệ – nửa quả còn lại.

 

Triệu Phán Đệ còn quái ác hơn cả Triệu Đông Tử.

 

Mỗi khi có trứng, con bé luôn cố ý đi một vòng trước mặt đệ đệ ta, rồi từng chút một, ăn thật chậm, để đệ đệ ta nhìn thấy toàn bộ.

 

Đệ đệ mắt đẫm lệ quay về phòng, ôm chân mẫu thân mà nức nở đòi ăn trứng.

 

Mẫu thân ngồi bên kháng, vừa rơi nước mắt, vừa dỗ dành.

 

Ta cảm thấy trong n.g.ự.c như có một tảng đá lớn chẹn ngang, khiến ta khó thở.

 

Chẳng qua cũng chỉ là nửa quả trứng mà thôi.

 

Chỉ là nửa quả trứng thôi mà!

Loading...