Tôi từng phản kháng, nhưng không có tác dụng — bởi mọi chi tiêu đều do họ nắm, không nghe lời là cắt tiền học, tiền sinh hoạt.
Có lần cuối tuần, mẹ đi đánh bài, tôi nấu cơm xong cho Tạ Tân Từ rồi ra ngoài một lát.
Không ngờ nó làm vỡ bát, đứt tay.
Mẹ về, đánh tôi một trận, vừa đánh vừa mắng:
“Chúng tao sinh mày, nuôi mày, cho mày đi học, mà mày ngay cả việc trông em cũng làm không xong. Nếu em mày xảy ra chuyện gì, tao đánh c.h.ế.t mày!”
Bà càng mắng càng điên:
“Một đứa vô dụng! Sinh mày ra để làm gì? Biết thế tao bóp c.h.ế.t mày từ trong bụng, khỏi phải vì mày chiếm mất suất nhập hộ khẩu mà phải nộp phạt cho thằng em mày!”
Mấy năm đó, ngoài chửi mắng, mẹ tôi nói với tôi câu nhiều nhất là:
“Sao mày ích kỷ thế?”
Bài vở nhiều, không trông em — là tôi ích kỷ, không biết thương mẹ.
Tạ Tân Từ xé bài tập của tôi, tôi mắng nó vài câu — tôi ích kỷ, không biết nhường em.
Tôi dùng tiền làm thêm mùa hè mua điện thoại — tôi ích kỷ, kiếm được tiền mà không hiếu thảo với cha mẹ.
Tôi từng bị bà dày vò đến mức muốn c.h.ế.t cùng bà.
Cho đến khi tôi vào đại học, hoàn toàn thoát khỏi bà.
Vậy mà mẹ tôi vẫn nói rằng bà không trọng nam khinh nữ, bằng chứng là bà cho tôi học đại học.
Bà còn lấy ví dụ để chứng minh bà nói đúng:
“Con bé nhà bên, học xong cấp hai là đi làm rồi. Nếu mẹ thật sự trọng nam khinh nữ, con nghĩ con được học đại học chắc?”
—-----
Hiện tại, nghe mẹ nói mấy lời khiến huyết áp tôi tăng vọt, tôi chỉ thấy…
Lòng mình trống rỗng.
Thậm chí tôi còn muốn bật cười.
Mẹ tôi dường như đã quên rằng — từ sau khi tôi vào đại học, bà đã không còn kiểm soát được tôi nữa.
Bà vẫn tiếp tục nói:
“Dù gì Tân Từ cũng là em trai con mà.”
Thậm chí bà còn phân chia sẵn căn nhà của tôi. Căn hộ ba phòng hai sảnh của tôi, Tạ Tân Từ và vợ một phòng, cháu trai một phòng, tôi còn lại một phòng.
Sắp xếp đâu ra đấy, rất “chu đáo”.
Tôi lạnh lùng hỏi lại:
“Nhà mẹ với ba không phải cũng ba phòng hai sảnh sao? Tạ Tân Từ dọn về ở với mẹ không phải càng tốt sao? Còn được hưởng cảnh sum họp gia đình nữa kìa.”
Mặt mẹ tôi thoáng qua một tia không vui.
Bà không ưa nổi con dâu – Tô Tình Thiên.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/me-khong-trong-nam-khinh-nu-chi-la-khong-yeu-toi/2.html.]
Những năm trước, mẹ tôi và ba mở siêu thị, cũng kiếm được ít tiền, nên đã mua nhà, mua xe cho Tân Từ bằng tiền mặt.
Vì vậy, cho dù Tạ Tân Từ chưa học xong cấp ba đã bỏ học, cho dù về sau việc kinh doanh khó khăn, chỉ đủ sống qua ngày...
Trong lòng mẹ tôi, vẫn không có người phụ nữ nào xứng đáng với con trai bà.
Khi Tạ Tân Từ quen Tô Tình Thiên – chỉ tốt nghiệp trung cấp, mẹ tôi phản đối kịch liệt.
Nguyên văn lời bà:
“Với điều kiện của con trai tôi, ít ra cũng phải cưới một cô cử nhân.”
Thế nên, trước khi kết hôn, mẹ tôi đã đủ kiểu gây khó dễ cho Tô Tình Thiên.
Nhưng Tô Tình Thiên trót mang thai trước khi cưới, nên mẹ tôi bất đắc dĩ phải chấp nhận.
Dù chấp nhận, bà vẫn ngấm ngầm chửi rủa:
“Con nhỏ đó chắc dùng thủ đoạn đê tiện gì đó mới dụ được Tân Từ lên giường, rồi có thai, đòi gả vào nhà này.”
Tô Tình Thiên biết mẹ tôi không ưa mình, nên tránh tiếp xúc hết mức có thể.
Thậm chí ngay cả lúc ở cữ, cô ấy cũng không để mẹ tôi chăm.
Nguyên văn lời cô ấy:
“Tôi sợ bà ấy bỏ thuốc độc.”
Con trai sinh ra, cũng không cho mẹ tôi chăm.
Mẹ tôi thì vui như mở cờ, còn đáp:
“Vậy sau này đừng đến năn nỉ tôi trông con giúp.”
Thế là hai người gần như không qua lại, coi như người xa lạ.
Giờ chắc là Tạ Tân Từ đánh mất nhà rồi, hai vợ chồng muốn moi nhà tôi, mới để mẹ tôi ôm cháu đến diễn bài tình cảm.
Quả nhiên, khi tôi từ chối, mẹ tôi chỉ tay vào cháu – mới hai tuổi rưỡi – mắng tôi:
“Viên Bảo mới có hai tuổi rưỡi thôi! Con nhẫn tâm nhìn thằng bé theo cha nó lang thang đầu đường xó chợ sao? Con sao mà ích kỷ quá vậy, không có chút lòng trắc ẩn nào cả!”
Tôi nhìn bà bằng ánh mắt thương hại như nhìn người thiểu năng:
“Mẹ có lòng trắc ẩn thì mẹ để Tân Từ ở nhà mẹ đi. Tới đây làm ầm làm ĩ với con làm gì?”
Mẹ tôi tức điên, hét lên:
“Con cũng hai mươi chín tuổi rồi! Không yêu đương, không kết hôn. Mẹ thấy đời con chắc cũng chẳng lấy nổi ai đâu. Cái nhà này dù sao con cũng ở một mình, hai phòng kia bỏ trống, cho em trai con ở thì sao chứ?”
Tôi trợn mắt nhìn bà:
“Mẹ nói như thể nhà mẹ không bỏ trống ấy!”
Mẹ tôi: …
Bà tức đến mức mắng chửi om sòm:
“Tạ Văn Duệ! Căn nhà này chúng ta góp hơn một nửa tiền đấy! Chúng ta có quyền ở!”