"Nghĩ gì mà thừ người ra đấy? Bài tập làm xong chưa?"
"Làm xong rồi cũng phải ôn lại. Con không chỉ học cho mình, con còn phải học cả phần của em gái con nữa."
"Mới thế mà đã buồn ngủ? Con cố tình phải không? Cố tình muốn chọc mẹ tức c.h.ế.t để con được sống sung sướng chứ gì?"
"Khóc à? Mẹ còn chưa khóc, con có tư cách gì mà khóc?"
Tôi không dám về nhà nữa.
Nhưng ngoài về nhà, tôi chẳng có nơi nào để đi.
Ai cũng biết ba tôi mất rồi, em gái tôi đã c.h.ế.t thay tôi.
"Đại Bảo, mẹ con khổ lắm, con phải hiểu chuyện."
"Đại Bảo, sao còn đứng ngoài này? Mẹ con đang tìm con đến phát điên rồi."
"Đại Bảo, con không thể ích kỷ."
Mỗi khi hàng xóm nhìn thấy tôi, họ đều giáo huấn tôi.
Lúc nào không hay, tôi cúi đầu đi sát mép tường.
Ngẩng lên, tôi chỉ thấy khuôn mặt mẹ, lạnh lùng và trầm mặc.
Tôi ghét về nhà, cũng ghét đám đông.
Nhưng tôi không thể chạy trốn khỏi nhà, cũng không thể tránh xa đám đông.
Bởi vì tôi mới 8 tuổi.
Rất nhanh, tôi nhận ra 8 tuổi là một độ tuổi tốt.
Ngày đầu tiên nhập học lớp một, bà Trương hàng xóm nhét vào miệng tôi một viên kẹo và nói:
"Đại Bảo, con đi học rồi, phải học cho giỏi, sau này có tiền đồ. Mẹ con chỉ có thể trông cậy vào con. Chỉ cần con học tốt, mẹ con sẽ vui."
Tôi khắc ghi câu nói ấy trong lòng. Tôi muốn mẹ vui, như ngày xưa.
Quả nhiên, khi tôi đạt hạng nhất, khóe môi mẹ từ từ cong lên.
Hóa ra, chỉ cần học giỏi, mẹ sẽ vui.
Tôi lao đầu vào học, lần nào cũng đứng nhất. Mẹ cười ngày càng nhiều. Đến khi tôi thi đỗ vào một trường cấp hai trọng điểm với vị trí thủ khoa, mẹ dắt tôi đi thắp hương cho ba và em gái, trên mặt là một nụ cười rạng rỡ.
Tôi nhìn lên bức tường, nơi treo di ảnh của họ. Tôi cảm thấy ba cũng đang cười, em gái cũng đang cười.
Tôi cũng cười theo.
Nhưng không lâu sau, tôi không còn cười được nữa.
Mẹ cầm bảng xếp hạng, nghiêm mặt chất vấn tôi:
"Chỉ hơn đứa thứ hai có 10 điểm thôi sao? Trước đây con luôn hơn nó 20 điểm cơ mà! Con lơ là rồi phải không? Con cố tình đúng không? Con cố tình chọc tức mẹ, con mong mẹ c.h.ế.t đi để con được sống thoải mái đúng không?"
"Nếu không phải vì con, mẹ đã đi theo ba và em gái con từ lâu rồi. Mẹ mặt dày sống sót đến bây giờ, chẳng phải cũng chỉ vì con sao?"
Tôi cuống quýt lắc đầu, không, không phải như vậy!
Tôi muốn nói với mẹ, thật sự không phải thế…
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/index.php/me-chon-cuu-toi-nhung-oan-toi-ca-doi/2.html.]
"Con không biết tại sao, nhưng con rất dễ đói. Ban đêm đói đến mức không ngủ được, cả ngày không còn sức lực."
"Đói? Mẹ ngày nào cũng cực khổ hầu hạ con, vậy mà con dám than đói? Mẹ có để con bị đói ngày nào chưa? Con có thấy em gái con không? Nó có từng được ăn một bữa mẹ nấu không? Đồ không biết hưởng phúc!"
Mẹ nói xong, bật khóc.
Tôi không dám than đói nữa.
Nhưng đói là bản năng của con người. Đến một ngày, trong lớp học, bụng tôi lại réo lên. Bạn cùng bàn lặng lẽ đưa cho tôi một miếng kẹo bánh Saqima lớn bằng lòng bàn tay.
Tôi đỏ mặt ăn một nửa, cẩn thận cất nửa còn lại vào cặp sách.
Tối hôm đó, tôi bị mẹ đánh một trận tơi bời.
"Nói, có phải con ăn cắp không? Mới bé thế này đã có thói ăn cắp vặt, sau này chắc chắn vào tù!"
"Đừng gọi mẹ, mẹ không có đứa con nào là tội phạm!"
"Người ta tự dưng cho con sao? Dựa vào đâu mà cho con?"
"Con cầm về sao không để phần em con? Con dám ăn một mình, con không có lương tâm!"
"Số mẹ sao lại khổ thế này? Đáng lẽ mẹ nên c.h.ế.t từ lâu rồi!"
Tôi liên tục giải thích, liên tục van xin.
Nhưng cây roi vẫn liên tục quất xuống người tôi.
Giữa đêm đông, tôi chỉ mặc áo quần mỏng, quỳ trước di ảnh ba và em gái đến tận sáng.
Trán tôi nóng ran, tôi co quắp dưới đất, trước khi ý thức rơi vào bóng tối, tôi nhìn thấy mẹ vội vã chạy đến, ôm chặt lấy tôi, vừa khóc vừa nói:
"Mẹ sai rồi, mẹ sai rồi!"
Tôi ngẩng đầu, nhìn về bức tường có treo di ảnh.
Lần đầu tiên, tôi tự hỏi:
"Tại sao người trong bức ảnh đó không phải là tôi?"
Năm đó, tôi 13 tuổi, bước vào giai đoạn dậy thì.
Người ta nói, mỗi lần trẻ con sốt, chúng lại hiểu chuyện hơn một chút.
Tôi cảm thấy câu nói ấy đúng.
Khi bụng lại réo lên, tôi hiểu chuyện mà từ chối bánh kẹo của bạn cùng bàn.
Đi ngang qua nhà hàng xóm, tôi hiểu chuyện mà từ chối lòng tốt của họ.
"Con không đói."
"Con về nhà ăn."
"Mẹ con đã nấu cơm rồi."
Cặp sách trên lưng tôi ngày càng nặng, không chỉ vì sách vở, mà còn vì một chiếc bình nước to.
Khi đói, tôi chỉ uống một ngụm nước.