Vợ tôi thay bộ sườn xám mà bà yêu thích, tôi dùng máy quay phim để ghi lại mỗi khoảnh khắc bà tận hưởng niềm vui hòa mình vào cảnh sắc núi non, sông nước.
Buổi trưa, chúng tôi trở về nhà, nghỉ ngơi một lúc. Vào buổi chiều, vợ tôi ngồi bên cửa sổ đọc sách.
Còn tôi, mang máy tính ra học, học nhiếp ảnh, học chỉnh sửa video.
Chúng tôi đều đắm chìm trong thế giới nhỏ của riêng mình, nhiều khi vô tình cả một buổi chiều trôi qua mà không hay.
Mỗi mười ngày nửa tháng, chúng tôi lại thực hiện một chuyến du lịch ngắn.
Nhiều thành phố gần đó đã lưu lại dấu chân của chúng tôi.
Vợ tôi không cắt tóc nữa.
Bà nói bà không phản đối tóc ngắn đầy trí thức, nhưng vẫn yêu thích mái tóc dài dịu dàng hơn.
Khi tóc dài đến vai, bà bắt đầu búi tóc lại, cắm một chiếc trâm nhỏ, mặc thêm một bộ sườn xám, trông bà lại giống như thuở còn trẻ.
Trong một chuyến đi, chúng tôi gặp một chàng trai trẻ tên là Trần Dương, là một blogger du lịch. Tôi đã xem qua tài khoản của anh ấy, thật bất ngờ, anh ấy có hơn 20 triệu người theo dõi.
Điều khiến tôi không nhịn được cười là anh ấy trở thành "fan" của vợ tôi, còn cứ nằng nặc muốn vợ tôi nhận làm mẹ nuôi.
Anh ấy nói: “Lúc trước tôi luôn nghĩ không ai mặc sườn xám đẹp hơn mẹ tôi, giờ mới nhận ra là tôi chưa gặp người thật sự hợp.”
Bà ngoại và mẹ anh ấy đều là những người yêu thích văn hóa sườn xám, từ nhỏ anh đã được ảnh hưởng sâu sắc, vì vậy khi gặp vợ tôi, người có độ tuổi gần giống mẹ anh và cũng yêu thích sườn xám, anh cảm thấy vô cùng thân thiết.
Kể từ đó, vợ tôi không chỉ xuất hiện trong ống kính của tôi mà còn trở thành một cảnh sắc độc đáo dưới ống kính của Trần Dương.
Sau khi có sự đồng ý của vợ tôi, Trần Dương đã đăng video lên tài khoản cá nhân, và thật bất ngờ, vợ tôi cũng trở nên nổi tiếng một chút.
Vì điều này, chúng tôi đã cố tình cắt đứt liên lạc với con gái và con rể trong hơn nửa năm. Vào một buổi sáng sớm, họ tìm đến cửa.
Hai người đến với vẻ mệt mỏi, đôi mắt đỏ ngầu, chắc là đêm qua không ngủ.
Trong hơn nửa năm này, con gái và con rể đã nhiều lần liên lạc với chúng tôi, nhưng tôi đều không để ý.
Cũng không có gì lạ khi họ lại vội vã như vậy.
“Ba!”
Con gái tôi vẻ mặt tối tăm, gấp gáp lên tiếng:
“Ba mẹ nói đi là đi, chúng con tìm kiếm mãi mới thấy, con về quê rồi, nhà đã bán, ba mẹ lại không về, rốt cuộc là vì chuyện gì vậy?”
Con rể thì chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng đi vào sân, nằm phịch lên chiếc ghế như thể chỉ cần tìm được chúng tôi là mọi chuyện đã ổn thỏa.
Vợ tôi nghe thấy tiếng động từ trong nhà, bước ra, khi thấy họ, bà dừng lại một chút, rồi bước đến bàn ngồi xuống.
Con gái tôi mở to mắt, một lúc lâu mới thốt lên: “... Mẹ?”
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/index.php/du-co-gia-di-chung-toi-van-song-vi-ban-than-minh/5.html.]
Con rể vốn đang nằm một chỗ bật dậy như bị điện giật, ngạc nhiên trong vài giây rồi gãi đầu ngượng ngùng: “Mẹ càng sống càng trẻ ra, chẳng nhận ra nữa.”
Tôi cười khẩy rồi ngồi xuống cạnh vợ.
“Có chuyện gì nhanh nói đi, chúng tôi còn phải đi chợ sáng.”
Con gái và con rể lúc này mới tỉnh táo lại.
Con rể ngay lập tức hét lên: “Còn gì mà chợ sáng với chợ chiều nữa, mau thu dọn đi, về thôi!”
“Các người đi suốt nửa năm rồi, căn nhà lần trước đã bị người khác mua mất! Gần đây chúng con lại xem một căn nhà mới, mặc dù mọi thứ không bằng căn trước, nhưng cũng tạm được. Lần này về là phải mau chóng giải quyết chuyện nhà cửa đi.”
Đây chính là lý do họ đến đây, nếu nói là đến tìm chúng tôi, chi bằng nói là đến tìm tiền.
Tôi trong lòng cười nhạt, không nói gì.
Con rể ra hiệu cho con gái, cô ấy đứng dậy ngồi cạnh vợ tôi.
Cô ấy khoác tay vợ tôi, nhìn từ đầu đến chân rồi cười nịnh nọt: “Mẹ, mẹ có giận con không vì con không cho mẹ mua thêm sườn xám?”
“Con biết mẹ thích sườn xám mà, con không biết mẹ mặc đẹp thế này đâu. Mẹ, lần này về, mỗi quý con sẽ mua vài bộ, chúng ta thay phiên mặc!”
Rồi cô ta thở dài: “Hạo Hạo mỗi ngày đều khóc bảo muốn ông bà ngoại, không chịu ăn cơm, người gầy đi, con nhìn mà xót lắm. Mẹ, từ nhỏ mẹ chăm Hạo Hạo, mẹ không thấy thương sao?”
Vợ tôi chỉ cười: “Quần áo mẹ tự mình mua, thương Hạo Hạo cũng đâu thiếu người thương, mẹ chỉ muốn sống cuộc sống riêng với ba con thôi.”
Nói xong, bà nhẹ nhàng thoát khỏi vòng tay con gái, đứng dậy quay vào trong nhà.
Con gái tôi ngây ra, mặt đầy khó tin.
Khi nỗi thất vọng tích tụ quá nhiều, tâm trạng cũng thay đổi.
Vợ tôi thế, tôi cũng thế.
“Các người về đi, làm được bao nhiêu thì làm, nhà các người muốn mua thì tự mua, chúng tôi sẽ không về nữa.”
Tôi đứng dậy mở cửa vườn, làm như đuổi họ đi.
Con rể lúc này mới nóng mặt, đứng bật dậy, gầm lên đe dọa: “Các người làm vậy không sợ sau này không có ai lo cho các người sao?”
“Chẳng mong đợi gì cả.” Tôi phất tay, lạnh lùng đáp.
Sau đó tôi chuyển giọng hỏi: “Ba mẹ cậu đã đến chưa?” Anh ta nhìn tôi nghi ngờ, rồi gật đầu.
“Chúng tôi không cần các người đuổi, tự giác nhường chỗ cho gia đình các người đoàn tụ sớm, Hạo Hạo chắc vui lắm phải không?”
Anh ta trợn mắt, cả người đứng c.h.ế.t lặng.
Con gái tôi cũng có vẻ không tin.