Ba ứng viên đều là nữ:
• Một người mới tốt nghiệp, không có kinh nghiệm làm việc, thậm chí còn chưa thạo các phần mềm văn phòng cơ bản.
• Một người chuẩn bị nhập học cao học vào tháng 9, chỉ có thể làm việc tạm thời.
• Một người có kinh nghiệm làm việc nhưng nặng hơn 100kg.
Sau nhiều cân nhắc, tôi quyết định chọn ứng viên cuối cùng.
Kết quả là, trong cuộc họp giữa các quản lý cấp trung, tôi bị sếp lớn gọi tên phê bình:
“Chị Vương, chị nhìn xem, gần đây công ty tuyển được những người thế nào? Toàn là không ra gì, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty. Khi tuyển dụng, chị phải đặt ra tiêu chuẩn, phải có mức tối thiểu.”
Nghe những lời này mà tôi tức giận vô cùng. Có phải tôi không muốn tuyển người chất lượng cao, hình ảnh tốt đâu? Làm như tôi không có tiêu chuẩn vậy.
Tôi cũng muốn đặt ra tiêu chuẩn, nhưng vấn đề là ứng viên cũng có tiêu chuẩn của họ. Công ty mình rõ ràng nằm ngoài tiêu chuẩn tối thiểu của họ.
Những người giỏi giang, xuất sắc, nơi nào chẳng cần họ? Làm sao họ phải đi xa để đến công ty này “ôn lại khó khăn”?
Nhưng vì muốn giữ công việc, tôi không thể nói như vậy.
Tôi chỉ có thể nhẹ nhàng đáp:
“Những người được tuyển gần đây là những ứng viên tốt nhất trong nhóm chấp nhận mức đãi ngộ của công ty.”
Sếp lớn rõ ràng chỉ muốn xả cơn giận, chứ không cần câu trả lời thực sự. Với tuổi tác và kinh nghiệm của ông ta, lẽ nào không hiểu nguyên tắc “tiền nào của nấy”?
Mắng tôi xong, sếp lại quay sang mắng trưởng phòng sản xuất, ông Thôi:
“Dạo này tiến độ sản xuất sao cứ chậm trễ thế? Anh có biết công ty phải bồi thường cho khách hàng vì chậm tiến độ không?”
Ông Thôi bất lực:
“Dạo này nhân viên nghỉ việc quá nhiều, bên tôi thiếu người trầm trọng. Người mới vào làm chưa quen việc, cần thời gian thích nghi.”
Sếp lớn liền trách:
“Anh là quản lý, nhân viên nghỉ việc nhiều thế, anh có tự kiểm điểm xem vấn đề nằm ở đâu không?”
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/index.php/cat-giam-chi-phi-va-cai-ket-sup-do-cua-ca-cong-ty/chuong-3.html.]
Ông Thôi bày ra vẻ mặt như bị táo bón, chắc hẳn trong lòng đang nghĩ: Tôi đã kiểm điểm rồi, nhưng vấn đề là ông không chịu kiểm điểm đấy chứ!
Tuy nhiên, là một người có kinh nghiệm, ông Thôi không dại gì trả lời câu hỏi dễ “dính đạn” này. Ông ta liền đẩy vấn đề sang tôi:
“Vấn đề nhân sự thì nên để chị Vương phân tích từ góc độ chuyên môn.”
Không còn cách nào khác, tôi đành miễn cưỡng trả lời:
“Dựa trên các buổi phỏng vấn nghỉ việc gần đây, lý do chính khiến nhân viên nghỉ là do chi phí đi làm quá cao, khiến thu nhập thực tế của họ giảm.”
Tổng giám đốc Trương Phú Cường, người nãy giờ im lặng, bất ngờ lên tiếng:
“Chị Vương, tôi nghĩ chị nên mở rộng kênh tuyển dụng, chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực. Công ty cũ của tôi, không cần biết vị trí nào nghỉ việc, ngày hôm sau là có người mới vào làm ngay.”
Tôi hỏi lại:
“Công ty cũ của ông, lương nhân viên bình thường sau khi trừ hết các khoản, thực nhận còn chưa đến 3 ngàn/tháng sao?”
Trương Phú Cường đáp:
“Chị nói gì đến 3 ngàn? Có nơi, nhân viên còn phải trả công ty 3 ngàn để được đi làm. Chúng ta có thể hợp tác với các trường dạy nghề, cung cấp cơ hội thực tập. Nhiều người muốn làm thì phải trả tiền để được làm.”
Tôi không tin mọi chuyện lại đơn giản như vậy, nên hỏi thêm:
“Những người phải trả tiền để đi làm, họ mong đợi điều gì?”
“Họ mong được chuyển sang nhân viên chính thức. Chúng ta phải cho họ niềm tin rằng chỉ cần chuyển chính thức, họ sẽ kiếm được hơn 10 ngàn mỗi tháng. Như vậy, họ sẽ sẵn sàng trả tiền để giành cơ hội này.”
Tôi hỏi tiếp:
“Chẳng phải như vậy là lừa người sao? Không nói đến việc tôi có thể mở miệng nói ra điều đó hay không, nhưng dù họ có vào làm, họ không biết hỏi nhân viên cũ mức lương thế nào à? Hoặc ít nhất họ cũng nghe ngóng từ bảo vệ của công ty đối diện chứ, họ có thể không biết à?”
“Chị Vương, tư duy của chị đi vào ngõ cụt rồi. Nhân viên không kiếm được lương cao, không phải vì công ty không cho họ cơ hội, mà là vì họ không làm việc đủ chăm chỉ. Chỉ cần chăm chỉ, họ chắc chắn sẽ kiếm được tiền.”
“Ý ông là, tất cả nhân viên công ty hiện tại không kiếm được lương cao đều là do họ không chăm chỉ?”
“Đúng vậy, chỉ cần chăm chỉ thì làm gì có chuyện không đạt được.”
Tôi tin rằng nếu những lời này của Trương Phú Cường được đăng lên mạng, ông ta sẽ bị chỉ trích đến mức ngạt thở.