Tôi đã thấu hiểu sự trọng nam khinh nữ của họ từ lâu rồi. Kiếp trước, sau nhiều chuyện, tôi đã nhìn thấu tất cả.
Nhưng giây phút ấy, tôi vẫn thấy buồn đến xé lòng.
Tôi hiểu rồi – kể cả khi Trần Vũ đỗ vào trường số 1, bố mẹ cũng không chia cho tôi một đồng nào.
Có lẽ trong đầu họ nghĩ: nếu dồn thêm tiền, có thể gửi Trần Vũ lên trường cấp ba tốt hơn ở tỉnh lỵ.
Nỗi buồn chồng chất khi nghe những lời bố tôi trao đổi với bác cả qua điện thoại:
“Tôi làm gì có tiền, bố giờ hay bệnh, đi viện liên tục, thằng con trai mỗi tháng tốn mấy trăm tiền sinh hoạt, chỗ nào cũng cần tiền. Mấy hôm trước tôi còn định gọi ông vay tiền ấy chứ.”
Bố tôi và bác cả có một cách rất kỳ cục trong việc chăm sóc ông bà – mỗi người lo một cụ.
Phân công rõ ràng, ai chăm người đó. Còn người kia có ốm đau hay cần tiền, thì chỉ góp lời khuyên chứ không góp sức, không góp tiền.
Tất nhiên, phần nào nguyên nhân cũng từ chuyện ông tôi từng giúp đỡ một quả phụ trong làng, khiến bà nội không ngừng cãi vã. Sau cùng hai người chẳng muốn nhìn mặt nhau, càng không muốn sống chung.
Ông tôi sống với bác cả, và do nhà bác không được bồi thường vì xây sai chỗ, nên giờ vẫn sống ở quê.
Bác cả nói tiếp:
“Nhưng chuyện học của Tiểu Vũ là nhất định phải lo. Cùng lắm thì… cho Trần Duệ (tôi) đi làm. Bảo con Yến đưa nó theo. Con bé Yến giờ đang làm trong xưởng may ở Quảng Đông, mỗi tháng cũng kiếm được hơn một ngàn tệ.”
Yến là con gái bác cả, hơn tôi 3 tuổi, học xong cấp 2 là đi làm luôn.
Cuối năm sau sẽ lấy chồng.
Trong thời gian đi làm, cô ấy quen với một cậu trai cùng làng đi làm chung – hai người yêu nhau.
Tiền sính lễ của cô ấy vừa đủ để trả tiền đặt cọc mua nhà cho anh họ tôi trên thành phố.
Năm ngoái về quê ăn Tết, tôi từng gặp chị Yến.
Có nói chuyện.
Chị ấy bảo hối hận vì ngày xưa không học hành đến nơi đến chốn, giờ ngày nào cũng làm thêm tới kiệt sức, vậy mà vẫn không mua nổi một bộ mỹ phẩm ra hồn.
Nhưng nói vậy thôi, ba ngày sau chị ấy vẫn cùng bạn trai lên chuyến xe sớm nhất đi Quảng Đông.
Có chút hối tiếc, nhưng không nhiều.
Cuối cùng, bố tôi cũng vay được... à không, xin được tiền.
Là bà nội tôi đi xin hai dì tôi, mỗi người hai nghìn.
Lúc bà xin tiền, tôi mới biết lý do vì sao bác cả nói rằng đã định hỏi vay bố tôi nhưng lại thôi.
Vì bác ấy cũng đã xin tiền hai dì trước rồi.
Hiểu rồi chứ? Chính vì vậy mà kiếp trước, mẹ tôi và bà nội phải tẩy não tôi thành một “chị gái thần thánh vì em trai”.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/index.php/bat-hanh-cua-toi-la-tu-hao-lam-con-gai-ngoan-cua-me/4.html.]
Dù bố mẹ có bỏ ra bao nhiêu tiền cho Trần Vũ học cấp ba, nó học xong là không học nữa.
Sau đó, mẹ tôi lấy tiền sính lễ của tôi để mua nhà cho nó, rồi cưới vợ sinh con.
Mỗi lần nó cần tiền gấp, mẹ tôi lại gọi điện cho tôi, nếu tôi không cho, bà sẽ đến làm ầm lên, khóc lóc, thậm chí dọa tự tử.
Lần quá quắt nhất – cũng là lần khiến tôi thức tỉnh hoàn toàn và cắt đứt quan hệ – chính là ba tháng trước khi tôi gặp tai nạn và trọng sinh.
Khi đó, mẹ tôi đứng chắn trước xe taxi tôi đang lái, gào lên:
“Mày không cho tiền, tao sẽ c.h.ế.t dưới bánh xe của mày!”
Muốn tôi mang tiếng bất hiếu, còn phải ngồi tù.
—--------
Khi bố tôi bận rộn lo tiền và chạy chọt trường cho Trần Vũ, tôi thì âm thầm tìm gặp cô Trương, xin cô giúp tôi làm đơn xin miễn học phí.
Nhưng, mọi chuyện lại chẳng như ý.
Kết quả: so với mấy học sinh giỏi khác, nhà tôi không thuộc diện hộ nghèo, mà điểm của họ còn cao hơn tôi.
Vì vậy, hồ sơ của tôi không được duyệt.
Tôi: “…”
Tôi: “…”
Tôi: “…”
Các bạn đã bao giờ cảm thấy tuyệt vọng chưa?
Tôi như thể lại một lần nữa đi lại con đường ngột ngạt đến nghẹt thở của kiếp trước.
Kiếp trước, sau khi tốt nghiệp trung cấp và vào nhà máy, tôi cũng từng muốn tìm một công việc tốt hơn.
Nhưng ngay cả vị trí nhân viên theo dõi mẫu tại phòng mẫu trong xưởng – vị trí thấp nhất – cũng yêu cầu tối thiểu bằng cao đẳng, và có bằng tiếng Anh cấp 4 trở lên.
Cô Trương áy náy nói:
“Duệ Duệ, cô xin lỗi.”
Tôi lắc đầu, nói:
“Cảm ơn cô, cô Trương.”
Tôi không biết mình về đến nhà bằng cách nào.
Về tới nơi, bà nội tôi đang chỉ tay mắng mẹ tôi:
“Con bé Trần Duệ đúng là thứ vô tích sự, học lắm cũng chả ra gì. Anh cả nói đúng, cứ cho nó theo con Yến đi làm kiếm tiền, phụ nuôi Tiểu Vũ, đỡ gánh nặng cho nhà mày.”