Bọn họ tới ăn, cũng coi như ngầm báo cho đám côn đồ nơi huyện Tham Lan biết rằng — tửu quán Hội Nguyên có người chống lưng.
Lại để Mạnh Đạt âm thầm mời bọn họ lên nhã gian trên lầu hai, dọn một bàn thật tươm tất.
Cứ thế tất bật suốt một năm, chúng ta cuối cùng cũng đứng vững tại huyện Tham Lan.
Trả xong bạc cho phụ mẫu, ta cùng Mạnh Đạt ngồi lại tính toán sổ sách.
Trừ mọi khoản chi phí, số bạc lời thu được là năm nghìn lượng.
“…”
Sau phút mừng rỡ, ta không kìm được ôm chặt lấy Mạnh Đạt, vừa hôn vừa cắn hắn mấy lượt.
Mạnh Đạt bật cười hỏi ta:
“Có phải nàng đang nghĩ đến chuyện năm năm sinh bốn đứa?”
Ta vung tay đ.ấ.m hắn mấy cái.
Lần đầu sinh đôi là do duyên số, lần sau không dám miễn cưỡng.
Huống hồ suốt một năm qua, chúng ta vẫn cẩn trọng tránh để mang thai.
Ta hết sức chân thành mà khen ngợi hắn:
“Có thể kiếm được từng ấy bạc, công lao của chàng là lớn nhất.”
Hắn nhướng mày cười gian:
“Vậy nương tử có định ban thưởng cho vi phu không?”
“Lẽ tất nhiên…”
Nam nhân ấy mà, quả thực không thể để ăn quá ngon, cũng không thể nuôi quá béo.
Hai đứa trẻ thấy ta mệt rã rời, còn tưởng ta sinh bệnh, suốt mấy ngày đều lo lắng hỏi han.
Mãi đến khi ta hồi phục hoàn toàn, mới dẫn chúng đi dạo chợ.
Tất nhiên không thể thiếu Mạnh Đạt, Xương Bồ, Trần thẩm cùng bốn đứa nhỏ đi theo.
Một mình ta không dám dẫn hai đứa con đi chợ, lỡ như gặp kẻ buôn người, mất con thì làm sao sống nổi?
Nghĩ đến thôi mà trong lòng đã run rẩy không yên.
“Mẫu thân, con muốn cái này…”
“Mẫu thân, con cũng muốn!”
Ta dĩ nhiên là mua cho chúng.
Ta cùng Mạnh Đạt liều mạng kiếm bạc, chẳng phải chỉ vì mong con cái được sống sung túc hay sao?
Thế nhưng, ta chẳng thể ngờ, sau khi dạo chợ trở về, người nhà họ Lạc lại tìm đến cửa.
Chỉ mới mấy năm không gặp, ông ta đã già đi biết bao nhiêu, tóc bạc trắng cả đầu.
“Cửu nhi à…”
Một thân già nua, khóc đến đỏ hoe cả mắt, xem ra nỗi đau này là thật.
Nếu là sáu bảy năm trước, e rằng ta đã động lòng, vội vã hỏi han, rồi tính toán thay ông ta, lại còn bỏ bạc, bỏ công giúp đỡ.
Nhưng hiện giờ, ta chỉ lặng lẽ nhìn ông ta khóc.
Lặng lẽ nhìn sự bất lực và bối rối hiện rõ nơi ánh mắt.
Dửng dưng nhìn ông ta cúi đầu, buông bỏ chút tôn nghiêm cuối cùng.
“Cửu nhi, đại ca con rớt từ mái nhà xuống, gãy chân, cần bạc cứu chữa.”
“Con, con có thể cho phụ thân vay một ít được không…”
“Không cần nhiều đâu, chỉ mười lượng là đủ…”
Mười lượng?
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/co-chang-cuoc-doi-moi-an-yen/chuong-3.html.]
Ông ta thật dám mở miệng.
“Ta và các người đã chẳng còn liên quan gì. Ân nuôi dưỡng, ta dùng sáu năm đã trả hết. Nói cho đúng, là các người còn nợ ta.”
“Ta không đi nha môn cáo quan, không phải vì còn tình nghĩa. Mà bởi ta hiểu rõ, cửa công chẳng dễ vào, ta cũng chẳng muốn bỏ bạc đi tìm phụ mẫu.”
“Nếu ông còn chút lương tâm, thì hãy tránh xa ta.”
“Con trai ông gãy chân, không liên can gì đến ta. Mau rời đi cho khuất mắt.”
Ta mạnh tay đóng sập cửa lại, hít sâu mấy hơi, mới nén được cơn giận ngùn ngụt trong lồng ngực.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Thế nhưng ta nào ngờ, ông ta lại mặt dày đến độ quỳ ngay trước cửa tửu quán, “bịch” một tiếng, gào khóc thảm thiết:
“Cửu nhi! Phụ thân không cần nhiều đâu!”
“Chỉ xin mười lượng bạc thôi…”
“Mười lượng là cứu được một mạng người mà…”
Ta đang ở trong viện, cố trấn định tâm thần.
Chợt có người từ tửu quán chạy vào:
“Phu nhân, phía trước xảy ra chuyện rồi ạ.”
“Xảy ra chuyện gì?”
Ta lập tức hỏi, rồi vội vã bước ra tiền viện.
Người kia thấp giọng đáp:
“Có một lão hán quỳ trước cửa tửu quán, vừa khóc vừa nói… nói mình là phụ thân của phu nhân…”
“…”
Chân ta bỗng khựng lại.
Tâm can nổi giận đến cực điểm.
Ta nghiến răng mắng mấy tiếng:
“Thật đáng hận! Thật đáng hận!”
Khó khăn lắm mới gây dựng được cuộc sống ngày hôm nay, mặc kệ ông ta là ai, ta cũng tuyệt chẳng tha.
Ông ta không biết xấu hổ, thì ta đây cũng chẳng ngại liều mình.
Vì vậy ta xách ngay cây chổi, xông lên, quất thẳng vào mặt ông ta một trận.
“Ông đúng là tán tận lương tâm! Năm xưa thấy cha mẹ ruột của ta giàu có, liền đánh tráo con mình để hưởng phúc.”
“Đem con ruột là ta đổi vào nhà các ngươi, để chịu đủ đói rét lầm than.”
“Tuổi còn nhỏ mà đã phải hầu hạ hai người già các ngươi, còn phải chăm lo bầy trẻ con trong nhà.”
“Vất vả lắm mới tìm được việc rửa chén, thái rau ở huyện thành, từng đồng bạc kiếm được đều không dám giữ lại, mang hết về cho các ngươi.”
“Khi ông cận kề cái chết, phụ mẫu ông, thê tử ông đều ngoảnh mặt làm ngơ, chỉ có ta.”
“Ta cắn răng đi cầu xin, đi vay mượn, liều mạng cứu ông về!”
“Vậy mà kết cục ra sao?”
“Ngoài mặt thì ông giả vờ là phụ thân hiền lành, trong lòng thì toàn là tính toán mưu lợi.”
“Lúc gả ta đi, lấy mười lượng bạc sính lễ, vậy mà ngay đến một cái chăn, một cái rương cũng không chuẩn bị.”
“Ta gả đi bốn năm, các ngươi không hề đoái hoài.”
“Hai đứa nhỏ chưa từng nhận được một đồng của các ngươi.”
“Ta cũng chưa từng quay lại, sống c.h.ế.t ra sao, ta chẳng bận tâm.”
“Dứt khoát như vậy mới là cắt đứt sạch sẽ. Vậy mà ông còn trơ mặt đến tửu quán của ta mà làm loạn, đúng là không biết liêm sỉ, mặt dày đến cùng cực!”
Nói xong, ta tự tay đặt cây chổi dựa vào tường.
Bỗng có một đôi bàn tay vững chãi đỡ lấy ta.