Tôi nghẹn đắng trong lòng, nước mắt rơi lã chã xuống bát cơm.
Tôi tới gặp cô Trương để cảm ơn.
Cô xoa đầu tôi, mỉm cười:
“Duệ Duệ, cố lên nhé. Hãy cố thi vào một trường đại học tốt. Vì bản thân em, và vì vinh dự của trường.”
Về sau tôi mới biết —
Cô Trương không có suất đặc biệt nào cả, suất đó chỉ dành cho người thân trực tiếp ở cấp 2.
Hóa ra cô có bạn làm giáo viên chủ nhiệm khối cấp 3 trường số 2, đúng năm đó vừa hết dạy khối 12, được phân công dạy khối 10.
Chính cô đã nhờ bạn giúp, gửi quà, mới xin được cho Trần Vũ — một đứa không đủ điểm — vào lớp của bạn mình.
Nhưng đó là chuyện về sau.
Hiện tại, điều tôi cần làm chính là không phụ lòng cô, không phụ lòng chính mình.
Vì tôi có điểm thi khá tốt, nên được xếp vào lớp chọn.
Chỉ khi vào lớp chọn, tôi mới hiểu ra — thiên phú là có thật.
Dù bạn có cố gấp mười lần, cũng không chắc đuổi kịp người có thiên phú, đặc biệt là khi họ cũng nỗ lực không kém bạn — thậm chí còn hơn.
Vì vậy, dù tôi thức khuya học đêm, khổ luyện không ngừng, kỳ thi cuối kỳ lớp 10 tôi cũng chỉ đứng thứ 51 toàn khối.
Xếp hạng trong lớp thì trung bình.
Tính theo tỷ lệ đỗ đại học hàng năm của trường số 2, không vào được top 10 thì đừng mơ đến Thanh Hoa, Bắc Đại — thậm chí đại học trọng điểm cũng là xa vời.
Biết điểm, trên đường về, tôi ngồi ở bậc thềm trước ngõ trường khóc một trận, đúng lúc Trần Vũ đi ngang qua.
Hiếm hoi thay, nó dừng lại, ngồi cạnh tôi một lúc, rồi cùng tôi lặng lẽ về nhà.
Về đến nhà, bà nội thấy mắt tôi đỏ hoe, liền buông lời mỉa mai:
“Suốt ngày như đồ xui xẻo, cái mặt lúc nào cũng tang thương. Ai không biết còn tưởng nhà có người chết! Nghỉ hè rồi mà không biết về sớm phụ giúp việc nhà một tay!”
Lần trước tôi cười khi về đến nhà, bà nội thấy tôi cười cũng dùng giọng điệu mỉa mai y như vậy:
“Cười cười cười, suốt ngày chỉ biết cười, ai không biết lại tưởng mày đi bán nụ cười đấy. Trong nhà nhiều việc thế cũng không biết giúp một tay.”
Tôi không muốn đôi co với bà nội. Trong lòng bà, tôi có khóc hay cười đều là không nên.
Nhưng không hiểu thần kinh nào của Trần Vũ bị chập, cậu ấy lên tiếng thay tôi:
“Bà ơi, nếu nhà thật sự có người chết, người già nhất chính là bà đấy.”
Bà nội: “…”
Bà trợn mắt như cái chuông đồng, hồi lâu vẫn không nói nổi một câu.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://www.monkeyd.com.vn/bat-hanh-cua-toi-la-tu-hao-lam-con-gai-ngoan-cua-me/6.html.]
Ngày hôm sau, Trần Vũ xin mẹ tôi 200 tệ.
Trước khi đi net, cậu ấy đưa tôi 100 tệ, nói:
“Cô giáo mấy người có phải bảo mua tài liệu học không? Nếu chị không dám nói với mẹ, để em đi xin cho. Suốt ngày chỉ biết khóc, mất mặt c.h.ế.t đi được.”
Tôi: “…”
Trời ơi, đúng là món quà bất ngờ.
Khi tôi đã dứt khoát không muốn sống lại kiếp trước, làm một “chị gái hy sinh vì em” nữa, thì cậu em trai này lại bắt đầu giúp đỡ tôi.
—----
Cuối năm, chị Yến Yến kết hôn.
Theo phong tục chỗ tôi, bố tôi phải đưa họ nhà gái về nhà chồng, nên cả nhà lại về quê, ở trong ngôi nhà cũ của ông bà nội để đón Tết.
Mấy mâm người lớn tụ lại đánh bài đến tận đêm khuya.
Toàn bàn tán mấy chuyện như con trai nhà ai thành đạt, con gái nhà ai lấy chồng giỏi.
Không biết ai đó nhắc đến con gái nhà họ hàng, nói:
“Con gái của lão Lý xóm trên ấy, vợ lão ta lúc xưa khăng khăng đòi cho nó học đại học. Kết quả là giờ lấy chồng xa tận đẩu đâu, lão Lý còn phải cho nó của hồi môn hai vạn tệ. Tôi thấy, nuôi con gái hay không có khác gì nhau?”
Một ông bác khác tiếp lời:
“Khác gì chứ, khác là bị thiểu năng nên còn nuôi tốn tiền ấy.”
Rồi không biết sao, cả bàn bài lại nhìn về phía tôi — lúc đó tôi đang ngồi nói chuyện với chị Yến Yến.
Hỏi mẹ tôi:
“Duệ Duệ nghe nói cũng học cấp ba à? Định thi đại học hả?”
Mẹ tôi vừa rút bài vừa đáp nhạt nhẽo:
“Ừ, học bừa thôi, chưa chắc thi đậu được.”
Ông bác cười ha hả, nhìn tôi dạy bảo:
“Nếu sau này có đậu thì đừng có như con bé nhà họ Lý, học xong cái là bỏ nhà đi biệt xứ, không đoái hoài gì đến cha mẹ nữa. Đúng là thứ vong ân bội nghĩa!”
“Cha mẹ nuôi mày khổ cực lắm, học chị Yến Yến một chút đi. Tiền lương, tiền sính lễ mấy năm nay nó đều đưa về nhà, đúng là hiếu thảo.”
Tôi quay đầu nhìn chị Yến Yến. Nụ cười trên mặt chị ấy rất chân thành, rất kiêu hãnh.
Giống hệt kiếp trước, khi tôi về chăm bà nội, trong bệnh viện, mấy cô chú họ hàng tới thăm bà đều khen tôi hiếu thảo.